Monday, March 31, 2008

Entry for April 01, 2008




Một bài văn tình cờ đọc được nhân ngày Cá Tháng Tư...

Đề bài: Em hãy viết về ngày Cá Tháng Tư
Văn Sen
Ở Canada, mỗi lần cậu em đi ăn đám về, bọn em thường lăng xăng ra đón để tranh nhau mấy trái ổi, trái hồng, có khi là chùm bánh ú lá tre nhân đậu xanh mà tang gia gửi. Thấy bọn em giành nhau chí chóe những món ngon rẻ tiền của quê hương, có lần cậu em cười nói: Phải mấy đứa ở Việt Nam thì không cần phải om sòm như vậy vì đám cưới hay giỗ quải nhà nào nhà nấy ăn mệt nghỉ. Qua đây lạ quá, chết rồi mới được cúng cho chút đỉnh vì hiếm và đắt quá!

Lòng em bắt đầu tròng trành cái lý thuyết khác biệt giữa "bên đây" - "bên đó" và nhận ra rằng làm người thật khó. Khi ở "bên đó" thấy "bên đây" là thiên đàng, còn khi sang "bên đây" thì "bên đó" lại là một cuộc sống đầy hạnh phúc.

Mỗi lần cắn miếng ổi "nhập khẩu" xanh căng da, thịt trắng phổng phao nhưng vị nhạt thếch, em lại mơ màng thấy mình trốn ngủ trưa chạy chân không trên cánh đồng nắng cháy da giữa trưa hè, háo hức cùng lũ bạn lấy dép ném rụng những cành chùm ruột, ổi xanh, khế vàng trĩu trịt trái trong hàng rào nhà người ta. Da ổi ở chỗ em xanh lè, chát ngầm phải ăn tới phần ruột đỏ đầy hột mới thấm thía vị ngọt thanh tao.

Trần ai lai khổ là vậy nhưng không hiểu sao những trái cây nhà quê này lại có sức hấp dẫn mê hoặc tuổi thơ. Tiếng dép lịch bịch, tiếng cành cây khô rơi, tiếng chó sủa dấm dẳng và theo sau là những bước chân quýnh quáng bỏ chạy vì sợ chủ nhà ra chửi: "Tụi bây trưa không cho ai ngủ nghê hả?" Mớ âm thanh hổ lốn đó, vậy mà lại đậm đà khó quên như một bát cơm nguội quẹt mắm ruốc...

Có lần em hỏi: Tại sao trái cây ở quê mình trông xấu vậy má? Má em đáp: Trái nào ngon mắt người ta để dành đem lên Sài Gòn bán hoặc xuất khẩu cho mấy người giàu ăn, ở quê ăn mót trái xấu được rồi! Em bĩu môi cả thước: Vậy là mấy "thằng" Sài Gòn bị dụ rồi, trái nào càng ghẻ mới là càng ngon đó, trời ơi, đem lên trên có tiền là mua, gọt sẵn đông lạnh ăn nhạt thếch, thấy mà ghê!

Má cốc đầu em: Mày đi ăn cắp trái nhà người ta mới là ngon hả? Em cười hì hì rồi chạy ra sau hè, xách con diều dán bằng báo ra chơi với lũ bạn, mặt giương giương tự đắc với những gì mình có: tre xanh, những con bò, những cánh đồng, một bầu trời no căng và đồ ăn nhà quê thì không bao giờ thiếu...

Vậy mà cũng có một lần em giãy đành đạch vì "thiếu ăn". Số là ông nội em bẫy được một con tôm mập ù trong cái rá tre đặt dưới con lạch nhỏ sau nhà. Nhưng ông không cho em ăn mà lại đòi đem ra chợ bán cho mối lái hải sản đem lên Sài Gòn tiêu thụ.

Ông bảo em ráng nhịn ăn tới bận sau bẫy được con khác, giờ bán con này để lấy tiền mua xoài giống về trồng. Em khóc muốn chết giấc, tức vì không được ăn con tôm ngon thì ít mà giận mấy "thằng" Sài Gòn chẳng phải làm gì vẫn có sẵn để ăn, thì nhiều!

Chỉ một con tôm nhỏ nội bán được có bao nhiêu tiền đâu, vậy mà cái niềm vui vu vơ vì được ăn ngon của một thằng nhóc quê như em vẫn bị tước đoạt, bị định giá còn rẻ hơn giá một con tôm nằm xải lai lạnh tanh vô hồn trên chợ Sài Gòn? Cuộc sống quê nghèo dù ít tiền nhưng lại được đất đai sông nước và tình người nuôi lớn, đối với em, là cả một thiên đường không bao giờ đánh đổi.


Sau những giấc mơ quê tuyệt đẹp, em lại giật mình tỉnh giấc với miếng ổi xanh "nhập khẩu" đang nhai rệu rạo trong miệng. Tâm hồn em đi từ sự tròng trành nhẹ nhàng của con đò quê sang một sự đổ tháo và "giả quên" khi sống giữa một thế giới vật chất phủ phê.

Khi tha hương, người ta hay nói tới quê nhà với một tình cảm sâu sắc về tuổi thơ, về cây xoài, cây mận, về "hồi đó" tôi thế này tôi thế nọ, tùm lum thứ! Vậy mà lúc trở về, người ta lại mang theo mình những cái muỗng, cái nĩa "tiệt trùng" vì muỗng ở nhà không hợp vệ sinh.

Người ta lè lưỡi í ẹ mấy thằng nhóc quê cạp ổi xanh ngon lành mà "không biết rửa cho sạch". Người ta chê trời nóng, chê đồ ăn dở, chê nước dơ, chê mùi bếp hôi và đặt ra hàng đống những cái "nếu", ví như: Nếu ở bên đấy thì không cần nấu bồ kết gội đầu, ra tiệm mua một chai về gội đã luôn! Nếu ở bên đấy thì đồ ăn dư bỏ vô tủ lạnh rồi khi ăn thì hâm microwave, đâu có úp lồng bàn khơi khơi dòm thấy ghê vậy?

Cũng có những-người-ta từng nói rằng: Mai mốt tao lớn đi làm có tiền nhiều, tao sẽ về xóm mình xây nhà tường cho nguyên xóm, ở nhà lá trưa nóng tối lạnh khổ thấy mẹ! Và cũng những-người-ta đó, có khi đang vi vu trên Sài Gòn hoặc nơi trời Tây, miệng thì lúc nào cũng lý tưởng hóa hai chữ "quê hương", nhưng thật ra thì "quê hương" đã bị đem cầm rồi, để có tiền mua xe đẹp, đổi phone xịn, hưởng cho sung sướng cái cuộc đời "sống nay chết mai" của riêng mình...

Khi em vẫn chưa giải đáp nổi cái định lý kỳ quặc về "người nhà quê" và "người Sài Gòn" đã ám ảnh em dai dẳng, thì em thấy sự tình phức tạp hơn vì chính những con người "từ quê ra tỉnh" giống như em, lại chối bỏ nơi đã nuôi mình lớn lên!

Rồi một chùm những câu hỏi "tại sao" lởn vởn trong đầu em tựa như ma ám, về sự bất an của thân phận và sự phi lý của đời sống: Tại sao cái bà đó dữ như quỷ mà lại trúng số? Tại sao thằng nhỏ mới sinh ra không làm hại ai lại bị ung thư máu? Tại sao mày không có cha? Tại sao tao không có mẹ?... Trong số đó, một câu hỏi thật lớn đối với em, đó là: Tại sao con người không bao giờ biết hài lòng và luôn dối chính mình?

Mà thôi, nhẹ lòng đi! Vì có lẽ cuộc đời chỉ là một trò đùa dai dẳng không dứt như ngày Cá Tháng Tư vậy...

The fact is we have so many reasons to lie and we're not so much unfamiliar with the time when we experience the so-called: "I am not what I am, I am not what you think I am, I am what I think you think I am." Nevertheless, peace and happiness comes for those who's honest to thyself and the others; those who have parents, friends, intimates to know who they really are and objectively support physically and mentally along the way.

Is that true peace and happiness the underlying reason why we have the quote: "I would rather be hated for whom I am than loved for whom I am not."? Not quite true and sometimes unachievable for some people, but for me, it's true.

1 comment:

  1. "I am not what I am, I am not what you think I am, I am what I think you think I am." -- too complicated, yet true :). thanks bro!

    ReplyDelete